Crystal Cathedral – Nơi thép kính biểu cảm
Nếu chỉ nhìn lướt qua những hình ảnh, và không để ý đến cây thánh giá hay những chiếc chuông đồng thì đa số mọi người đều cho rằng đây là một công trình văn phòng, trung tâm thương mại, hay thậm chí là một tòa nhà công nghiệp gì đó bằng thép kính của thời hiện đại, mà khó lòng nghĩ đó là ngôi giáo đường ở Garden Grove, Orange County, California.
Không ít khách tham quan đến đây đã đặt câu hỏi: “người ta đã đồng ý cho xây một nhà thờ với ý tưởng thế này sao?”. Và như lời dân sống lâu năm bên Mỹ kết luận: ở xứ này cái gì cũng có thể, miễn là có lý! Mặc dù không được làm bằng pha lê (crystal), thậm chí cũng không hoàn toàn đúng nghĩa một thánh đường (cathedral), nhưng công trình này vẫn được ưu ái gọi tên là Crystal Cathedral, hiện giữ kỷ lục kiến trúc tôn giáo bằng kính lớn nhất thế giới với hơn 10.000 tấm kính hình chữ nhật được dùng. Nhưng dĩ nhiên không chỉ có thế, và cái “có lý” của ngôi giáo đường này luôn đi cùng không ít khám phá thú vị.
Bên ngoài Crystal Cathedral được bao che hoàn toàn bằng kính phản quang tráng bạc trên hệ chịu lực dàn không gian thép, sơn trắng. Về mặt bằng, nhà thờ mang hình dáng viên kim cương, bố cục theo trục đông – tây, với vị trí gian đặt bàn thánh tại cạnh hướng bắc. Ngoài bốn dãy băng ghế hướng về trung tâm, nhà thờ có các chỗ ngồi phụ trên các ban công khung bêtông đưa ra từ hệ trụ tròn cực lớn ở các góc hướng đông, tây, và nam. Bố cục giản dị rõ ràng này tạo nên sự liên hệ hình học với hệ kết cấu và bề mặt mái bên trên. Như để nâng cao tương phản và dẫn dắt cảm xúc, các lối vào đặt khá thấp phía dưới những ban công, rồi từ đó mở ra góc nhìn nội thất tăng dần cảm giác bất ngờ khi tiếp xúc không gian thánh đường rực rỡ ánh sáng, dài 126m, rộng 63m, và vươn cao đến 39m.
Không chỉ có bố cục, cách dùng vật liệu và xử lý nội thất của Crystal Cathedral cũng khá đặc biệt. Xuôi theo lối đi giữa là một kênh nước có các vòi phun thấp tạo sự mát mẻ và cảm giác như ngồi nghe thuyết giảng giữa thiên nhiên. Khu vực cử hành thánh lễ được ốp bằng đá cẩm thạch Rosso Alicante, bố trí chỗ ngồi dành cho nhạc công, bục thuyết giảng, và hai tháp chứa dàn đàn organ cùng với các trang thiết bị kỹ thuật khác. Toàn bộ công trình không trang bị điều hòa không khí, chỉ dùng một ít máy sưởi, cho thấy kỹ thuật xử lý môi trường từ thập niên 80 của thế kỷ trước đã rất khéo léo, bởi hệ thống cửa sổ linh hoạt điều tiết lưu thông không khí tự nhiên một cách hiệu quả.
Khi quan sát cả hai công trình cạnh nhau, ấn tượng hài hòa và tương hỗ càng mạnh hơn. Tòa tháp cao 87m, cấu tạo từ các tấm inox bóng gương hình tam giác, được giới nghệ thuật ví như đoạn solo guitar cao vút trên nền bản hòa âm piano réo rắt dàn trải. Bộ hòa chuông đồng lấp lánh ánh vàng như tương phản với nhà nguyện nhỏ Mary Hood Chapel nằm lọt bên trong khá khiêm tốn. Dường như ở tổng thể này các kiến trúc sư thập niên 60-80 đã làm một cuộc tung hứng giữa điêu khắc và chiếu sáng, tạo hình và lập thế, những đa tầng ngữ nghĩa hình học với nhiều tranh luận chuyên môn thú vị, và là những ví dụ sống động của việc thoát ly công năng và kết cấu mà vẫn phục vụ tốt công năng, vẫn không “làm khó” hệ kết cấu.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 151.